Theo quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cầu Trần Hưng Đạo nằm trong số 18 cây cầu bắc qua sông Hồng trong tương lai. Cầu Trần Hưng Đạo là một trong số các lộ trình giao thông “tỷ đô” được xây dựng trên địa bàn quận Long Biên bắc qua khu vực phố cổ Hà Nội. Ngày 10/7, đại diện UBND Hà Nội cho biết, thành phố đã giao TEDI (Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải) nghiên cứu phương án xây cầu Trần Hưng Đạo. Trước đây, thành phố dự kiến xây dựng hầm song qua khảo sát cho thấy địa chất và thủy văn sông Hồng khá phức tạp, chi phí xây dựng hầm lớn. Cầu qua sông sẽ có chi phí thấp hơn hầm và có thể tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc trong trung tâm thành phố. Tiêu chí thiết kế đặt ra với cầu Trần Hưng Đạo là hiện đại, mang đặc trưng văn hóa truyền thống của Hà Nội và tạo dựng thương hiệu cho thành phố. Ngoài ra, đường dẫn hai đầu cầu đảm bảo kết nối hiệu quả giao thông trong khu vực.
Theo nghiên cứu của TEDI, dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã 5 nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; điểm cuối vượt qua đường Nguyễn Văn Linh, kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng, quận Long Biên.
Toàn tuyến dài 5,5 km, trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4 km, còn lại là đường dẫn hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng. Về quy mô, cầu rộng 31m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và hai dải đi bộ; tốc độ xe đạt 80 km/h.
Trên tuyến sẽ có 5 nút giao gồm nút đầu tuyến tại ngã 5 đường Trần Thánh Tông; đê Hữu Hồng; nút giao với trục đường quy hoạch phía Long Biên; đê Tả Hồng và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh.
Thông tin tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết thành phố "chốt" phương án cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau. Theo phương án thiết kế, phần cầu chính có độ dài 900m, chia làm 6 nhịp; mỗi nhịp dài 150m.
Đáng chú ý, xuất phát từ mong muốn cây cầu Trần Hưng Đạo sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu giao thông đơn thuần mà còn hướng đến mục đích "vị nhân sinh" nên đây cũng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng được đề xuất có thêm 2 làn xe đạp và vỉa hè dành cho người đi bộ ngoài 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh, có ghế ngồi để người dân có thể dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tạo điểm nhấn kết cấu.
Để phục vụ tiềm năng phát triển du lịch, ở hai bên đầu cầu được bố trí lối dẫn phù hợp với việc quy hoạch công viên cây xanh trong tương lai, tạo thành một địa điểm có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, hoạt động cộng đồng.
Cây cầu được lấy cảm hứng từ ấn tượng về không gian mênh mông trải rộng trên dòng sông Hồng, một dòng sông có cả chiều dài về lịch sử, chiều rộng về không gian.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ha-noi-chot-phuong-an-kien-truc-cau-tran-hung-dao-voi-dai-vong-canh-via-he.htm